Hơn 3.000 lô sản phẩm tam-pon và băng vệ sinh của Tập đoàn P&G bị phát hiện chứa chất độc hại dioxin và một vài hóa chất khác đã được thu hồi trên thị trường Pháp và Canada.
Theo hãng tin AFP, Tập đoàn đa quốc gia P&G sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như tã trẻ em Pamper’s, băng vệ sinh Whisper đang đứng trước cáo buộc sử dụng chất cấm trong sản xuất băng vệ sinh.
Theo nghiên cứu của Tạp chí “60 triệu người tiêu dùng”, tờ báo tiêu dùng hàng đầu tại Pháp, 5/11 mẫu sản phẩm của P&G bị phát hiện chứa dioxin, hóa chất cực độc từng được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Tập đoàn đã quyết định thu hồi trên 3000 lô sản phẩm tam-pon nhãn hiệu Tampax và băng vệ sinh nhãn hiệu Always tại Pháp và Canada.
Những sản phẩm sử dụng lõi bông như băng vệ sinh và tam-pon khác được quảng cáo “hữu cơ” trong khi phân tích các mẫu lại phát hiện có glyphosate, một hoạt chất chủ đạo trong thuốc diệt cỏ Roundup.
Về phía nhà sản xuất, P&G cho rằng hàm lượng các chất độc trên vẫn ở mức cho phép, không nguy hại, “nhưng đối với chúng tôi, sự an tâm và sức khỏe của người tiêu dùng phải được đặt lên hàng đầu”.
Vì vậy, Tập đoàn vẫn quyết định thu hồi lại lô 3.100 sản phẩn đã xuất sang thị trường Pháp và Canada.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo dioxin là chất nguy hiểm, có khả năng gây ung thư cao, gây ra các vấn đề sinh sản như vô sinh, dị dạng bào thai, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch.
Và glyphosate có trong thuốc diệt cỏ Roundup được đánh giá về khả năng gây ung thư trên thang điểm 2,4-D – mức rất cao.
Nghiên cứu của Tạp chí “60 triệu người tiêu dùng” còn chỉ ra rằng, trên các lõi bông của Tampax Compak Active Regular Fresh và băng vệ sinh Always có tồn dư hợp chất của thuốc trừ sâu.
Trả lời vấn đề này với tạp chí Independent, P&G vẫn tái khẳng định tính an toàn của sản phẩm và cho rằng phát hiện trên là một sự “nhầm lẫn”.
Ảnh minh họa
Viện nghiên cứu Bảo vệ người tiêu dùng Pháp đã vào cuộc và yêu cầu chính phủ kiểm soát chặt hơn các sản phẩm vệ sinh dành cho phụ nữ.
Họ kiến nghị các công ty liệt kê thành phần của sản phẩm trên nhãn mác để phụ nữ có thể nắm được các nguy cơ về sức khỏe khi sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên tại thời điểm này, chưa có nhà sản xuất nào thực hiện được.
Mélanie Doerflinger, người khởi xướng bản đề xuất với hơn 210.000 chữ kí yêu cầu các nhà sản xuất ghi rõ thành phần cho biết: “Khi chúng tôi mua mỹ phẩm, chúng tôi biết rõ trong đó có những thành phần nào, được chiết xuất ra sao.
Vậy mà khi mua những sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với phần “nhạy cảm” và dễ bị tổn thương nhất trên cơ thể phụ nữ, chúng tôi lại không có chút thông tin gì về nó?”.
Mới đây, dư luận đang nóng lên việc Tập đoàn Johnson & Jonhson phải bồi thường 72 triệu USD sau cái chết của một phụ nữ liên quan đến việc sử dụng phấn rôm và sữa tắm của hãng này.
10 triệu USD Mỹ cho gia đình nạn nhân và 62 triệu USD nộp phạt.
Johnson & Johnson đang đối diện với những cáo buộc vì lợi nhuận mà không cảnh báo người tiêu dùng về việc phấn rôm của họ chứa những thành phần có thể gây ung thư.
Những vụ việc lùm xùm gần đây của các “ông lớn” trong ngành hàng tiêu dùng cho phụ nữ và trẻ em đã đánh thức thói quen cảnh giác trước những lời mời chào “hoa mỹ” về sự an toàn của sản phẩm.
Các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn gốc xuất xứ và các nhà sản xuất buộc phải công khai minh bạch sự thật phía sau các sản phẩm của mình.