Xôn xao loại cỏ diệt ung thư có thể tìm thấy ở Việt Nam

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về rễ cây bồ công anh có thể tiêu diệt tế bào ung thư trong vòng 24h.

Thực hư về độ xác thực của thông tin này ra sao?

TTXVN năm 2010 đã dẫn lại từ trang Natural News thông tin về công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Windsor của Canada do nhà sinh hóa Siyaram Pandey đứng đầu.


Nghiên cứu cho rằng: chất chiết xuất từ rễ cây bồ công anh Trung Quốc có thể khiến các tế bào ung thư bạch huyết "tự chết".

Trước khi tiến hành nghiên cứu này, đã có 2 bệnh nhân bị ung thư máu cải thiện được sức khỏe của mình sau 1 thời gian uống trà bồ công anh.

Dựa trên cơ sở thực tế đó, tiến sĩ S.Pandey đã tiến hành thử nghiệm dùng chiết xuất rễ cây bồ công anh cho những tế bào ung thư bạch cầu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những tế bào ung thư bạch cầu đã tự chết trong vòng 24h.

Đồng thời, nghiên cứu còn chỉ ra rằng, dùng rễ bồ công anh tốt hơn nhiều so với hóa trị, vì nó chỉ phá hủy hoàn toàn tế bào ung thư mà không làm ảnh hưởng gì đến những tế bào bình thường.

 Cây bồ công anh Trung Quốc

Nghiên cứu này chính là phát hiện về tính năng mới của cây bồ công anh, đem lại nhiều hy vọng cho các bệnh nhân ung thư về một loại thuốc có nguồn gốc thảo dược hoàn toàn không độc hại nhưng vô cùng hiệu quả để chống lại căn bệnh nan y này.

Để thêm cơ sở khoa học, chúng tôi xin giới thiệu thêm về dược tính của loại cây bồ công anh, nhằm giúp độc giả có cái nhìn rõ ràng hơn về loại thảo dược này.

Theo sách "Những cây thuốc Việt Nam" của giáo sư Đỗ Tất Lợi, cây bồ công anh được nói ở trên chính là bồ công anh Trung Quốc, có tên khoa học là Taraxacum officinale Wigg.
Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi, bồ công anh tốt nhất nên thu hái vào giữa mùa hè là thời kỳ có nhiều vị đắng nhất. Người ta cho rằng tác dụng của rễ và cây là ở chất đắng này.
Nếu hái vào mùa đông, vị đắng kém và rễ chứa nhiều inulin ít tác dụng.
Rễ hái về dùng tươi hoặc có thể phơi, sấy khô để dùng dần.
Cũng có thể hái toàn cây cả rễ để dùng cũng có tác dụng như dùng toàn rễ.
Về hình dạng: Bồ công anh là loại sống dai, có rễ trụ. Lá mọc thành hoa thị ở gốc, phiến lá cắt thành nhiều thùy nhỏ như răng nhọn. Giữa vòng lá mọc lên cuống cụm hoa màu vàng. Khi già cây ra quả có lông màu trắng xếp thành hình cầu.

Về thành phần hóa học: Trong rễ có một chất đắng Bồ công anh Taraxacin, chất Taraxenola, đường khử, chất nhựa, chất đắng, saponozit, men tyrosinaza. Trong hoa có Xanthophyl, trong lá có Luteolin - 7 - glucozit và apigenin - 7 - glucozit hay cosmoziozit và rất nhiều Vitamin B, C.

Về công dụng: Cây được trồng phổ biến ở Châu Âu để làm thuốc bổ đắng, tẩy máu, lọc máu. Lá được dùng làm rau ăn như xà lách. Khi dùng làm thuốc, bồ công anh được lấy toàn cây có rễ, lá cũng được dùng làm thuốc và có công dụng như rễ.

Cũng theo giáo sư Đỗ Tất Lợi, sách Trung Quốc cổ coi bồ công anh có vị ngọt, đắng, tính hàn, vào 2 kinh tỳ và vị có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, lương huyết tán kết, thông sữa, lợi tiểu dùng trong các bệnh sưng vú, mụn nhọt, tiểu tiện khó khăn, ít sữa...

Rễ cây bồ công anh (Ảnh: Internet)

Các tài liệu khoa học khác cho rằng, ngoài tính chất lợi tiểu, rễ bồ công anh còn kích thích sự tiết mật, làm sạch gan, giúp trong việc điều trị các bệnh dị ứng và làm giảm nồng độ cholesterol.

Rễ bồ công anh rất giàu vitamins thiết yếu và khoáng chất, bao gồm vitamin B6 , thiamin, riboflavin, vitamin C, sắt, canxi, kali, acid folic và magiê.

Liều dùng: Ngày dùng từ 4 đến 12g dưới dạng thuốc sắc.

Về phân bố: Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi, bồ công anh được dùng phổ biến ở các nước châu Âu. Ở Việt Nam, loại cây này không được sử dụng nhưng cũng có mọc hoang tại những vùng núi cao như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt.

Loại cây này có thể trồng ở đồng bằng cũng như miền núi rất tốt, có ra hoa kết quả.

Tuy nhiên, cần lưu ý một điều rằng nếu bạn muốn sử dụng loại thảo dược này, cần chắc chắn rằng nguồn cung cấp thảo dược phải từ những khu vực sạch, cách xa nơi có nhiều xe cộ và bụi bặm bởi cây có thể hấp thụ độc chất từ môi trường này.

Facebook Comment